Ở bắc Tây Nguyên, người dân Gia Lai vẫn đang chờ đợi một hình thức xử lý thích đáng đối với giám đốc sở Công thương Huỳnh Ngọc Tục chứ không phải là cảnh cáo về mặt đảng và mặt chính quyền như quyết định của Bí thư và Chủ tịch tỉnh Gia Lai đã ban hành.
Ông Tục vi phạm kỷ luật đảng, pháp luật nhà nước theo quyết định thi hành kỷ luật của Tỉnh ủy Gia Lai từ năm 2014 nhưng đến nay vẫn tại vị. Dân gian có lẽ không quá khi nói rằng ông này biết dùng chiêu ‘lăng ba vi bộ’.
Trong tiểu thuyết Kim Dung, Đoàn Dự, một công tử trói gà không chặt lười học võ nhưng may mắn sa chân xuống một vực sâu và có được bí kíp võ công lạ lùng là ‘lăng ba vi bộ’. ‘Lăng ba vi bộ’ là thuật khinh công chạy loăng quăng theo hình zic-zăc để vừa né tránh, lòn lách và đạt tốc độ nhanh khó ai đuổi kịp.
Kim Dung miêu tả, với trình độ võ công thấp kém như Đoàn Dự nhưng nếu Dự dở chiêu ‘lăng ba vi bộ’ ra thì đến thần công quảng đại như Kiều Phong cũng phải thán phục!
lang ba vi bo, quan
 Ông Huỳnh Ngọc Tục dùng bằng cấp không hợp pháp để tiến thân- Ảnh: báo Gia Lai.
‘Lăng ba vi bộ’ trong chính trị để tiến thân càng lắm công phu. Trong kết luận kiểm tra của ủy ban Kiểm tra tỉnh ủy Gia Lai đối với ông Huỳnh Ngọc Tục có biên rằng: Mặc dù đồng chí không thừa nhận nhưng theo xác nhận của sở GD-ĐT Gia Lai thì giấy chứng nhận tốt nghiệp với nội dung chứng nhận ông Huỳnh Ngọc Tục (SN 20.10.1960, xã Tam Dân, Tam Kỳ, Quảng Nam-Đà Nẵng) đã tốt nghiệp kỳ thi hết cấp 3 bổ tục văn hóa tại hội đồng thi trường cấp 3 Nguyễn Huệ (khóa ngày 28.5.1977) xếp loại B, là không hợp pháp.
Dù không hợp pháp, nhưng từ cái giấy chứng nhận đó, bằng những cách nào đó, ông Tục dự tuyển và tốt nghiệp đại học Luật Hà Nội, kê khai trình độ văn hóa 12/12 trong lý lịch đảng viên, rồi tiếp tục có được bằng cao cấp Lý luận chính trị.
Vậy là ông đi zic-zăc từ Chi cục trưởng Chi cục quản lý thị trường, qua Bí thư huyện ủy Mang Yang rồi lên Giám đốc sở Công thương Gia Lai cho đến nay.
Chưa biết ông Tục làm được gì, nhưng dân Gia Lai đã 2 phen ‘chết hụt’ vì vỡ đập thủy điện Ia Krêl 2 liên tiếp dưới thời ông này làm giám đốc sở Công thương. Lần một vào tháng 6.2013, thủy điện 5,5MW này bị vỡ nhấn chìm làng mạc vì sai phạm hàng loạt của chủ đầu tư.
Bằng cách gì đó, thủy điện này lại được tiếp tục làm lại, rồi vào ngày 1.8.2014, lại vỡ toác gây lũ quét phá sạch hạ nguồn; nay dân ở vùng này vẫn còn thiếu thốn chưa đủ ăn Tết do lũ nhân tạo gây ra.
Cũng chấn động không kém trong năm 2014 là chuyện ông Hồ Xuân Mãn (nguyên Bí thư tỉnh ủy Thừa Thiên-Huế) khai man thành tích để được phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân.
Ngày 24.10.2014, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đã ký quyết định về việc hủy bỏ quyết định phong tặng danh hiệu Anh hùng cho ông Mãn nhiều năm trước đó.
Nhân dân Huế và cả nước rất vui mừng với quyết định này vì trước đó ông Mãn nguyên là Xã đội trưởng xã Phong An (Phong Điền, Thừa Thiên-Huế) đã có hành vi gian dối trong việc kê khai thành tích.
Kết luận của Ủy ban kiểm tra Trung ương cho thấy trong 17 thành tích của ông Hồ Xuân Mãn báo cáo chỉ có 2 thành tích là đúng, 3 thành tích chỉ là người tham gia, phối hợp chiến đấu; 4 thành tích chưa đủ cơ sở xác định và 8 thành tích báo cáo không đúng sự thật.
Nay ông Mãn đã về hưu sau 2 nhiệm kỳ làm Bí thư Tỉnh ủy, mọi sự coi như đã mãn cuộc.
Thế mới thấy, ‘quan’ dù bằng cấp dỏm, công trạng ảo nhưng biết gian dối, biết lòn lách thì tư lợi cho cá nhân lắm thay.
Lại chạnh lòng nghĩ đến thực tại, khi vẫn còn hằng hà sa số những cử nhân đại học chính quy, những người chuyên tâm học hành vẫn đang lơ ngơ thất nghiệp và bon chen kiếm sống hằng ngày!
Lê Đình Dũng