Chủ Nhật, 2 tháng 11, 2014

Ai “tiếp tay” cho ông Hồ Xuân Mãn thành Anh hùng?



2014-10-29T08:05:00

Ai “tiếp tay” cho ông Hồ Xuân Mãn thành Anh hùng?
Các CCB làm việc với phóng viên sáng 28/10
(PLO) - Trong quá trình tác nghiệp loạt bài này, phóng viên không hề nhận thấy sự hồ hởi từ những cựu binh dũng cảm đi tìm công lý. Bởi theo họ, cuộc đấu tranh này là cực chẳng đã vì dù sao ông Hồ Xuân Mãn cũng từng là đồng đội, đồng chí…
Nỗi trăn trở lớn nhất với họ là sự “hèn nhát” của nhiều lãnh đạo Tỉnh ủy Thừa Thiên Huế khi đối diện tiêu cực và những người này không thể vô can.

100% Thường vụ đều nhất trí

Ông Hoàng Văn Phận, nguyên Trung đội trưởng Công binh lực lượng vũ trang huyện Phong Điền thời kỳ 1966 – 1967 cho rằng, danh hiệu cao quý của Nhà nước trao nhầm người, lỗi chính là ở người khai đã bịa đặt, nhưng cũng cần làm rõ trách nhiệm, sai phạm của cá nhân, tập thể vì sao không biết công trạng của ông Mãn thế nào mà cũng đặt bút phê, để lọt hồ sơ giả. 
Thậm chí, một số lãnh đạo tỉnh Thừa Thiên Huế từng khẳng định việc xét tặng danh hiệu Anh hùng cho ông Mãn được thực hiện đúng quy trình, nguyên tắc. Thế nhưng, những cựu binh đứng đơn tố cáo nói hồ sơ này đi trái nguyên tắc, làm từ trên xuống chứ không phải từ dưới lên (cơ sở đề nghị, cấp trên xét duyệt). 
Ông Hoàng Phước Sum thẳng thắn: “Ông Hồ Viết Bá, Trưởng ban Tổ chức Tỉnh ủy, lúc đó là Chánh Văn phòng Tỉnh ủy đã ký xác nhận vào bản báo cáo thành tích của ông Mãn. Việc làm này không đúng thẩm quyền vì ông Bá không phải là cấp trên của ông Mãn và ông Bá cũng không hoạt động cùng thời với ông Mãn". 
Thượng tá Nguyễn Văn Lương, nguyên Chỉ huy trưởng Ban Chỉ huy quân sự (CHQS) huyện Phong Điền (đã nghỉ hưu) viết xác nhận: “Khi đang đương chức, là Chỉ huy trưởng, tôi có ký hồ sơ của ông Mãn và một số người khác. Tôi có đọc thành tích của ông ấy nhưng lâu rồi nên không nhớ hết”
Việc ký xác nhận thành tích này đáng ra phải có bản lưu tại Huyện đội, tuy nhiên, theo vị Thượng tá này thì ông chỉ biết ký chứ không có hồ sơ lưu. Còn Thiếu tướng Đặng Ngọc Nghĩa, nguyên Chỉ huy trưởng Bộ CHQS tỉnh Thừa Thiên Huế (giai đoạn 2005 – 2011, một trong 15 người thuộc Thường vụ Tỉnh ủy từng ký xác nhận hồ sơ cho ông Mãn) từng thừa nhận với báo chí: “Tôi ký vào tờ trình chấp hành theo Nghị quyết của Thường vụ Tỉnh ủy. Lúc đó 100% Thường vụ đều nhất trí, không ai phản đối gì. Ngành Quân đội làm chặt chẽ từ Ban CHQS huyện lên tỉnh, sau đó đề nghị ra Quân khu 4, Tổng cục Chính trị – Bộ Quốc phòng rồi Nhà nước. Lúc đó ông Mãn là Bí thư Tỉnh ủy, ông cũng có công qua hai nhiệm kỳ. Tôi là lớp hậu sinh, ông Mãn khai thế nào thì biết vậy và ông ấy phải chịu trách nhiệm về lời khai”.   
Theo tìm hiểu của PLVN, Thường vụ Tỉnh ủy Thừa Thiên Huế lúc đó gồm 15 người là cán bộ chủ chốt của Đảng, chính quyền, lực lượng vũ trang và các ban, ngành của tỉnh, hiện đa số đều đang đương chức hoặc đảm nhận chức vụ cao hơn. Nhiều cựu binh đặt câu hỏi: 15 người nhất trí với hồ sơ của ông Mãn mà không phát hiện ra bất thường, không ai phản đối là không thể chấp nhận được? 
Ngay như đương kim Bí thư Tỉnh ủy Thừa Thiên Huế  Nguyễn Ngọc Thiện trả lời Báo PLVN trước đây cũng khẳng định quy trình xây dựng bộ hồ sơ đề nghị tặng danh hiệu anh hùng của ông Mãn được thực hiện chặt chẽ và đầy đủ theo các quy định. Nhưng khi sai phạm của ông Mãn được công bố, Bí thư Thiện nói sẽ xem xét trách nhiệm các cá nhân, tổ chức để có hình thức xử lý kỷ luật và thông tin cho báo chí, nhưng từ đó đến nay vẫn chưa thấy gì.
Chiều 27/10, phóng viên liên lạc qua điện thoại với ông Bùi Thanh Hà, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy Thừa Thiên Huế để nắm thông tin thì ông Hà nói: “Việc này của Thường vụ, không phải của Ủy ban Kiểm tra, anh điện cho Thường vụ ấy”. 
Chúng tôi liên lạc với ông Trần Thanh Bình, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy nhưng ông Bình bảo đang bận họp, sẽ gọi lại sau. Chờ mãi không thấy ông Bình gọi, chúng tôi gọi lại để đặt lịch làm việc thì ông Bình không nghe máy.

Quyết định của Chủ tịch nước đem lại niềm tin cho đảng viên, nhân dân

Để viết loạt bài này, chúng tôi đã gặp gỡ, tiếp xúc với rất nhiều cựu chiến binh, cán bộ cấp cao nghỉ hưu thì tất cả họ đều cho rằng Quyết định của Chủ tịch nước Trương Tấn Sang là hoàn toàn đúng đắn, được cán bộ, đảng viên và nhân dân đồng tình ủng hộ. Tuy nhiên, họ trăn trở là vì sao một cán bộ cao cấp của Đảng, một người đứng đầu Đảng bộ tỉnh lại có thể vi phạm đạo đức, không trung thực đến vậy? Có phải đó là sự suy thoái về đạo đức, khó phát hiện hay là sự đánh giá, lựa chọn, sử dụng cán bộ đã không đúng ngay từ đầu? 
Họ nhắc lại rằng, trong 17 thành tích do ông Hồ Xuân Mãn báo cáo chỉ có 2 thành tích là đúng, 7 thành tích chưa chính xác và 8 thành tích là khai man. Nhiều câu hỏi được các cựu binh xoay quanh là trong suốt những năm công tác, có bao nhiêu thành tích, bao nhiêu vấn đề ông Mãn báo cáo không đúng sự thật? Có ảnh hưởng xấu đến người khác, đến tập thể không?
Quyết định của Chủ tịch nước huỷ bỏ Quyết định phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng Vũ trang nhân dân đối với ông Mãn không chỉ cảnh tỉnh các cơ quan thi đua mà cả các cơ quan làm công tác cán bộ cũng cần thận trọng; đồng thời cảnh báo mỗi cán bộ, đảng viên phấn đấu, rèn luyện, giữ gìn phẩm chất, tư cách suốt đời. Nếu người cán bộ, đảng viên không tự giác làm tấm gương để soi chính mình, tự làm trong sạch, chỉ muốn “đánh bóng” để người khác soi, lại không bị các cơ quan có trách nhiệm, thẩm quyền thường xuyên nhắc nhở, lau vết bẩn thì chắc chắn sẽ chỉ trở thành tấm gương mờ, phản tác dụng, không chỉ có hại cho công việc chung mà có hại cho chính bản thân mình.
Sông Hương - Nguyễn Thành

8 nhận xét:

  1. Ông Hoàng Tiến Dũng, nguyên Đại đội phó Lực lượng vũ trang Huyện đội Phong Điền thời kỳ 1967 – 1975 cho biết: “Dù sao ông Mãn cũng là đồng chí, đồng đội với chúng tôi trước đây, nếu làm lớn chuyện thì “xấu chàng hổ ai” nên chúng tôi rất cân nhắc. Chúng tôi họp bàn nhiều lần và phương án trước mắt là đề nghị ông Mãn làm đơn rút khỏi danh hiệu Anh hùng nhưng ông ấy quyết không rút, còn thách thức, buộc lòng chúng tôi phải lên tiếng”.

    Trả lờiXóa
  2. Trong quá trình gửi đơn tố cáo, những cựu binh này đã gặp phải rất nhiều khó khăn: Ai sẽ là người đứng ra thu thập tài liệu, chứng cứ, xác minh, in ấn tài liệu, rồi vấn đề tài chính để đi lại. Liệu việc tố cáo này có đi đến đích hay không khi ông Mãn vẫn còn đương chức? Trước những thách thức đó, họ có niềm tin vào Đảng, vào đồng chí, đồng đội nên mỗi người tự nguyện đóng góp một ít để thực hiện công việc này.
    Khi những lá đơn đầu tiên gửi đi, các cựu binh ngày đêm thấp thỏm chờ đợi sự trả lời của Tỉnh ủy Thừa Thiên Huế, nhưng sự việc rơi vào im lặng. Ông Ngô Thanh Vấn, nguyên trinh sát đặc công phân khu Bắc Trị Thiên nhớ lại: “Nhiều người dân gặp tôi hỏi vụ việc có lúc nào bị “chìm xuồng” không? Tôi trả lời: “Đua ghe thì có lúc ghe chìm, còn với chúng tôi đã là người lính, khi cầm súng lên là không bỏ súng”.

    Trả lờiXóa
  3. Nguyên chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết: “Tham nhũng đang đe dọa chế độ”
    “Bài học ở Đông Âu, Ai Cập và Bắc Phi đã cho thấy, khi tham nhũng trở lên tràn lan, lòng dân không yên người ta nổi lên thì coi như chế độ sụp đổ” – nguyên Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết trăn trở khi trò chuyện cùng báo Một Thế Giới.
    Cần trị tham nhũng để lấy lại lòng tin
    “Vụ mùa xuân Ai Cập: Nguồn gốc là gì?" – nguyên chủ tịch nước phân tích. “Khi tham nhũng lên đến Trung ương rồi, người dân bất mãn và đây là dịp để bùng nổ. Khi các cuộc cách mạng mùa xuân ở Ai Cập và Bắc Phi diễn ra, tôi có nói chuyện với anh Nguyễn Phú Trọng và anh Tư Sang về vấn đề tham nhũng và lý do vì sao Đông Âu sụp đổ”.
    Mùa xuân năm 2011, hàng triệu người dân Ai Cập biểu tình 18 ngày liên tục tại Quảng trường Tahrir, dẫn đến sự sụp đổ chế độ độc tài của tổng thống Hosni Mubarak. Sự kiện trên bắt nguồn từ hành động tự thiêu của một anh chàng bán rau 27 tuổi trên đường phố và bị cảnh sát bắt.
    “Ngày xưa tham nhũng chưa nhiều như bây giờ và nó có mức độ. Nhưng bây giờ tham nhũng tràn lan” – nguyên chủ tịch nước nói. “Giấu ai chứ không giấu dân được đâu. Nhìn vào cuộc sống của vợ anh, của con anh người ta biết hết. Không cải tiến tiền lương, lên diễn đàn từ ông lớn dến ông nhỏ đều bảo không đủ sống, nhưng vợ con thì đề huề, người ta nhìn vô không phục”.

    “Theo tình hình này, ở Bắc Phi, Trung Đông, lãnh đạo các nước tham nhũng, lòng dân không yên thì người ta nổi lên. Tương tự kịch bản thì Việt Nam nếu không quyết liệt chống tham nhũng thì cũng khó tránh khỏi, tôi nói với anh Nguyễn Phú Trọng và anh Tư Sang là các ông đừng chủ quan. Cần phải trị được bài tham nhũng này để lấy lại niềm tin trong nhân dân”.

    Trả lờiXóa
  4. Mãn dựng lên một đám người biết lắng nghe và thực hiện một cách máy móc theo ý Mãn…
    Mãn phải trả giá cho sự u mê vì không hiểu thói đời…
    Ham ăn, ham chơi, ham tiền, ham danh, ham gái là miếng đất màu mỡ cho Ngô Hòa và dạng như Ngô Hòa canh phá…
    Thực ra, Mãn tưởng mình khôn ngoan đã sắp được một bầy CỪU, nhưng ngược lại chính Mãn bị đám “cẩu đệ” xỏ mũi từ lâu lắm…chúng nó đang chơi “bài điếm” điều hành lại Mãn phục vụ cho ý đồ sâu xa của họ…trò tung hứng, hai bên đều có lợi…chỉ có nhân dân tốn tiền trả lương cho một bầy vô tích sự…làm nghèo đất nước.
    Chỉ cần một lời khuyên chân thành…Mãn sẽ là con chim họa mi đang hót líu lo…
    Bây giờ Mãn chỉ còn là “con cáo” cụt đuôi…

    Trả lờiXóa
  5. hượng tá Lê Đức Đoàn là đại diện cho hình ảnh người CSND "hiếu với dân" - một phẩm chất mà lâu nay bị mai một trong một bộ phận công quyền.

    Cây cầu Chương Dương giờ đã vắng bóng người cảnh sát giao thông già tận tụy Lê Đức Đoàn. Những chuyến xe bình yên vẫn đi về mà thiếu vắng một cử chỉ thân thiện, một nụ cười khiến cho những người lái xe trách nhiệm hơn với tay lái của mình.

    Về hưu, một chặng dừng trong quy luật. Nhiều vị "đầy tớ" nghỉ hưu trong quên lãng, nhạt nhoà hệt như quãng đời đương nhiệm. Nhưng với ông, người cảnh sát già, đó là giây phút đáng nhớ bên cây cầu trong dòng người lạ quen xuôi ngược.

    Không phải trên diễn đàn Quốc hội với nhiều báo cáo "sách vở" dài dòng của các "dân biểu" mà ngay giữa thực tế đời sống muôn nỗi, người dân đã dành tặng ông biết bao lời chúc tốt đẹp, bởi đơn giản ông là đại diện cho hình ảnh người cảnh sát nhân dân "hiếu với dân" - một phẩm chất mà lâu nay bị bôi xoá trong một bộ phận công quyền.
    Ông "dạy" cho mỗi chúng ta bài học về sự liêm sỉ trong nghề nghiệp, về sự tử tế trong cuộc sống quá nhiều phiền nhiễu này. Câu chuyện bình dị về ông càng khẳng định nguồn sức mạnh cảm xúc xã hội luôn đến từ những điều chân thực. Sự minh bạch trong veo như ánh ngày hiện hữu từng phút từng giây trên cây cầu quen thuộc với những hành xử đầy tính thiện.

    Trước đó ở một chiều ngược lại, vụ nguyên Bí thư Tỉnh uỷ Thừa Thiên Huế Hồ Xuân Mãn khai man lý lịch để nhận danh hiệu Anh hùng bị dư luận phán xét như một vệt đen của sự gian trá, thiếu minh bạch.

    Những trường hợp liên quan đến chuyện chạy danh hiệu, giả bằng cấp, đạo công trình, sản phẩm, đạo tên tuổi... nhan nhản trong một xã hội thật - giả lập loè "tranh tối tranh sáng". Một "cơ chế" phân chia danh hiệu theo chức vụ; một "cơ chế" thành tích thì nhận, trách nhiệm thì thoái thác... đang triệt tiêu những mầm tích cực...

    Trả lờiXóa
  6. Một hiện thực là dù ông Mãn đã bị tước danh hiệu, nhưng bè cánh và tiêu cực trong đội ngũ quan chức Huế vẫn còn đầy, niềm tin của dân đã cạn.Đau lòng hơn nữa là rất nhiều người dân vẫn ko dám nói lên tiếng nói chính nghĩa ở các diễn đàn,mạng xã hội,hay nói công khai vì họ nghĩ ko lay chuyển được hì hoặc sợ bị trả thù, bắt bớ.Khi người dân ko thèm, ko dám đấu tranh với tiêu cực thì vận nước sắp tàn.Ai đó đã nói vậy.Chả lẽ đất nước này đã đến mức như thế rồi sao???

    Trả lờiXóa
  7. luật nhân quả .

    Trả lờiXóa