Ngưỡng mộ là bởi vì, để thi đấu thể thao nói chung và gôn nói riêng cần phải bỏ nhiều thời gian, công sức để luyện tập. Để một gôn thủ có thể tham gia được giải đấu, họ phải rèn luyện kỹ năng, kỹ thuật rất siêng năng mới đạt được trình độ khá. Với giải mà ông Bí thư Tỉnh uỷ Thừa Thiên - Huế vừa giật, cho thấy ông đã đầu tư không ít thời gian và công sức cho môn gôn.

Cũng vì chơi gôn rất mất thời gian cho nên khi vừa nhậm chức, Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Đinh La Thăng đã cấm cán bộ trong ngành chơi gôn. Ông Thăng cho rằng phải dành thời gian cho công việc, đi chơi gôn một lần mất từ 1 -2 ngày thì còn thời gian đâu để làm việc. Nhiều người phản ứng rằng: Ô hay cái ông này, ngày nghỉ thì đi chơi, chơi gì là quyền của người ta. Nhưng ông Thăng sốt ruột vì ngành đường sắt làm ăn lụn bại mà cán bộ lãnh đạo chơi gôn nhất nước. Chơi vậy thì làm ăn bết bát là phải. Ông Thăng cấm cũng phải.

Còn những ngành khác, địa phương khác, làm giàu, làm giỏi thì cán bộ lãnh đạo phải hưởng thụ, phải chơi thể thao để tăng cường sức khoẻ phục vụ nhân dân. Xét cho cùng, đâu phải ai đi chơi gôn cũng mất thời gian mà do khả năng sắp xếp, tổ chức công việc khoa học. Sân gôn Lăng Cô ở huyện Phú Lộc, cách Huế tới 80km, mà vẫn xếp lịch làm việc gọn gàng để đi chơi được mới hay.

Cũng đừng ai bận tâm tiền đâu mà cán bộ nhà nước đi chơi gôn, bởi vì nó sẽ như muôn ngàn câu hỏi “tiền đâu mà cán bộ ...” khác. Điều quan trọng là ông cán bộ lãnh đạo đó đã làm được gì cho dân, cho nước hay ngược lại.

Không ai cấm chơi gôn nên ai muốn chơi thì chơi. Chỉ có điều, một doanh nghiệp sản xuất kinh doanh hiệu quả, người lao động có thu nhập cao, thì giám đốc chơi thoải mái. Một địa phương có kinh tế phát triển, người dân ấm no hạnh phúc, thì lãnh đạo cứ đánh gôn vô tư.

Chỉ có điều, một nhà lãnh đạo với một doanh nhân khác nhau ở chỗ, cho dù có đủ điều kiện để hưởng thụ nhiều thứ và xách gậy chơi gôn, nhưng khi đặt cây gậy xuống thảm cỏ xanh mướt, người chơi có nghĩ đến những người dân còn nghèo khó và trách nhiệm của mình hay không!