Thứ Tư, 19 tháng 3, 2014

Sự tha hóa, cái chuẩn đạo đức đã thay đổi ?

bietthu
Mấy ngày trước, cả nước xôn xao chuyện biệt thự của ông Trần Văn Truyền, nguyên Ủy viên Trung ương đảng, Tổng thanh tra Chính phủ. Báo chí đưa tin ông này sắp hoàn tất dự án tư dinh gồm một biệt thự và 3 ngôi nhà gỗ cao cấp trên lô đất 17.000 mét vuông tại xã Sơn Đông, thành phố Bến Tre, trị giá hàng chục tỷ đồng, trong khi ông ã có một biệt thự ở phường 3 thành phố này và 2 căn hộ cao cấp ở Thảo Điền, Phú Mỹ Hưng , thành phố Hồ Chí Minh.
Đây là cơ hội phanh phui ra những khuất tất của vị cựu Tổng thanh tra Chính phủ góp phần vào việc chống tham nhũng. Bao nhiêu comment trên trang Web như vậy. Có vị tướng đáng kính bức xúc yêu cầu Trưởng ban nội chính Trung ương phải vào cuộc ngay.
Tôi nói chuyện đó với nhà thơ Lê Văn. Ông cười và bảo:
- Chuyện tầm phào! Nó lại trôi tuột đi gió thổi vào nhà trống, rồi vụ việc trầm kha cỡ đó cũng ‘chìm xuồng’ mà thôi!.
Lê Văn kể: Mấy năm trước, khi ngôi biệt thự của nguyên Tổng bí thư Lê Khả Phiêu xuất hiện trên mạng đã làm cả trong và ngoài nước xôn xao. Những câu hỏi tiền đâu mà ông ấy xây biệt thự to thế? Và nếu có tiền chính đáng thì phô trương một cách sống xa hoa như thế có trái với bản chất của người cộng sản, nhất là khi đang học tập tấm gương đạo đức của Hồ Chủ tịch? Sẽ xử lý ra sao? Có người nghi ngờ ngôi biệt thự đó là ảo, do kẻ xấu ngụy tạo?
Chả bao lâu sau, ngôi biệt thự của nguyên Tổng bí thư Nông Đức Mạnh to đẹp hơn ngôi biệt thự của cụ Phiêu, diện tích gần ngàn mét vuông, ở vị trí đắc địa bên Hồ Tây , trị giá ngót ngàn tỷ xuất hiện . Không phải do thế lực thù địch tung tin thất thiệt nhằm bôi nhọ phẩm chất trong sáng của nguyên Tổng bí thư Nông Đức Mạnh mà chính con ông phơi ra sau khi ông cưới cô vợ trẻ Huyền Tâm , gây nên cuộc tranh chấp tình cảm và vật chất trong gia đình.
Thế rồi nguyên Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết tự giới thiệu ngôi biệt thự của mình ở Bình Dương với Việt kiều từ Mỹ về thăm. Ngôi biệt thự bề thế sang trọng trong khuôn viên hàng ngàn mét vuông , có vườn cây, ao cá, lại có cả nhà nuôi yến mà chủ nhân khoe mỗi tháng thu nhập tổ yến được vài ngàn đô la. Khi về Mỹ , một Việt kiều đã viết trên một tờ báo : “ Không hiểu sự giàu sang của cựu Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết có liên quan đến câu chuyện ông đã kể với bà con mình ở Cali trong chuyến thăm Mỹ , là ở Việt Nam quan chức quản lý tiền nhà nước như cô thủ quỹ giữ két bạc không có người kiểm tra, không muốn tham nhũng cũng phải tham nhũng ?”
Hình ảnh ngôi biệt thự của cựu Chủ tịch nước còn đang tươi rói thì xuất hiện hình ảnh khu biệt thự của nguyên Chủ tịch tỉnh Bắc cạn Nguyễn Trường Tô. Ông này sau khi hạ cánh an toàn vụ mua dâm học trò, đã về xã Hạnh phúc xây khu biệt thự kiểu Tàu, sơn thủy rất hữu tình , to đẹp gấp mấy lần ngôi biệt thự của nguyên Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết.
Rồi biệt phủ của con trai đương kim Uỷ viên trung ương đảng , Bí thư tỉnh ủy Hải dương Bùi Thanh Quyến , biệt thự của Chủ tịch tỉnh Bình dương Lê Thanh Cung phơi lên mặt báo.
Dư luận xôn xao. Người quan tâm đến phòng chống tham nhũng bức xúc. Nhưng mặc, sự việc cứ trôi tuột đi, chả khác gió thổi vào nhà trống! Không có phản hồi nào về biệt thự của nguyên Tổng bí thư Lê Khả Phiêu, Nông Đức Mạnh. Chẳng có cuộc điều tra nào nhắm vào Nguyễn Trường Tô .
Biệt phủ của con trai Bùi Thanh Quyến tóp lại chỉ còn là một ngôi nhà bình thường , những cây gỗ sưa quý giá báo chí nêu chỉ còn là cây tạp. Và thay vì bị xử lý vi phạm luật đất đai, xây dựng , con trai Bùi Thanh Quyến lại được đề bạt từ trưởng phòng lên chức phó giám đốc Sở lao động thương binh và xã hội tỉnh Hải Dương.
Ngôi biệt thự to đùng và hơn trăm hec-ta cao su trị giá hàng trăm tỷ cùa Chủ tịch Bình Dương Lê Thanh Cung được báo Lao Động, Dân Việt đăng bài và ảnh cùng những câu hỏi gay gắt của nhân dân Bình Dương. Phó thủ tướng chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã chỉ thị phải kiềm tra báo cáo trước 31-12-2013. Nhưng nay đã giữa tháng 3-2014 vẫn chưa thấy động tĩnh gì. Nhìn khuôn mặt tươi rói của ông chủ tịch tỉnh Lê Thanh Cung trong buồi lễ ra mắt thành phố mới Bình Dương chắc chả có chuyện gì xảy ra với ông ta cả.
Ông Trần Văn Truyền thì cũng thế mà thôi. Ông ấy giải thích, rằng đất xây biệt thự là của con trai mua , tiền xây biệt thự là của em gái nuôi cho, đồ đạc trong nhà là do bạn bè mỗi người góp cho một thứ vì thương vợ chồng ông nghèo! Những câu chuyện đương thời mà như chuyện cổ tích , giai thoại ngày xưa được kể ra từ miệng những vị quan chức như ông Trần Văn Truyền vẫn có người tin . Không tin cũng phải lờ đi , vì chẳng muốn bới bèo ra bọ ! Và thế là trôi tuột đi!
- Nhưng tại sao lại để trôi tuột đi như thế? Tôi hỏi. Lê Văn cười khẩy:
- Ông lạ gì? Bởi biệt thự, vila đâu còn là hiếm trong giới quan chức cấp cao. Quan chức cấp cao bây giờ không ở vila, biệt thự mới hiếm. Cả nước còn mấy vị ở nhà cấp 4, đi xe đạp như Nguyễn Sự , Bí thư thành phố Hội An? Có lẽ chỉ đếm trên đầu ngón tay. Trái lại, hầu hết không chỉ một mà hai, ba vila, biệt thự. Vậy ai điều tra xác minh ai? Chả nhẽ cùng hội cùng thuyền mà cha này moi cha kia ?
Chúng tôi nhẩm tính thử. Với mức lương hiện tại, một cán bộ cao cấp, nhịn ăn nhịn mặc giỏi lắm mỗi năm tích cóp được trăm triệu là cùng. Mười năm nhịn ăn, nhịn mặc tiết kiệm được hơn một tỷ, chưa mua nổi căn hộ cung cư 60 mét vuông. Nhưng thử hỏi mấy người nhịn ăn, nhịn mặc? Không! Bây giờ quan chức đồng nghĩa với ăn ngon, mặc đẹp, đi xe sang, xài đồ xịn. Có kẻ còn vung tiền mua dâm, bao gái như Nguyễn Trường Tô, Dương Chí Dũng .
Tiền đâu ăn chơi xả láng như vậy mà còn xây biệt thự, vila , mua căn hộ cao cấp? Câu trả lời không khó nhưng lại khó trả lời bởi cái gáy của mình.
Lê Văn đọc bài thơ vui:
Ông Lê hỏi nhỏ ông Trần:
Tiền đâu mua đất hết gần lại xa,
Xây biệt thự, xây vi la,
Có nghe dư luận bàn ra tán vào?
Trần rằng ông nói hay sao!
Mỗi lời là một buộc vào chối tai.
Hỏi ông tài khoản nước ngoài,
Đô la trăm triệu nào ai dám bì?
Lê rằng tôi có thấm gì,
Ông Phan, ông Nguyễn có khi gấp mười.
Trần nghe Lê nói cả cười:
Thế thì rê đuốc chân người làm chi?
Biết điều lờ tịt nó đi,
Để xem dư luận làm gì được ta?
Đâu đâu cũng nước non nhà!
Vừa qua có một trường hợp hi hữu xảy ra, hy vọng có thể đột nhập vào một tòa biệt thự, khi Dương Chí Dũng khai trước tòa, là đã hối lộ Thượng tướng Phạm Qúy Ngọ 510.000 đô la và “đưa giúp” bà Trương Mỹ Lan 1.000.000 đô la. Nhưng ngay lập tức cánh cổng bị đóng sập lại, vì chưa kịp công bố quyết định đình chỉ công tác ông thứ trưởng này để điều tra thì ông bị chết đột ngột. Bây giờ thì ông đã nằm trong khu lăng mộ ở quê nhà, rất tiếc không được ‘an nghỉ’ theo đúng nghĩa của từ. Còn trước mắt thực tế chỉ ra tế thì chuyện tiết lộ bí mật Nhà nước cũng như tiền bạc đã vùi sâu dưới lòng đất, có lẽ cũng chôn chặt theo ông Ngọ luôn.
Chùm đại dinh thự cùa ông Trần Văn Truyền cũng như nhiều vị quan chức khác chỉ là của nổi, chả thấm với của chìm. Người ta ví nó như phần nổi của tảng băng trôi.
Lòng dân xúc khi chuyện vi la, biệt thự, dinh thự của các vị ấy cứ trôi tuột đi trước dư luận như gió thổi vào nhà trống, rồi sẽ sắp xếp, đối phó “an bài” để được…chìm xuồng.. An cư tư nguy! Khổng tử đã nói như vậy. Đừng ỷ thời thế mà coi thường hậu họa.
Những ngôi biệt thự của Gaddafi, Mubarack và Yanukovich …còn to đẹp, sang trọng, vững chãi gấp ngàn lần nhưng rốt cục đã hóa thành những bia mộ đề người đời nguyền rủa. Và hiển hiện trước mắt ta, thượng tướng Phạm Qúy Ngọ để lại gì, mang xuống mộ được gì, hay tất cả đều trôi tuột ?!
MINH DIỆN

7 nhận xét:

  1. Báo Người cao tuổi số 28 (1345) ngày 18/2/2014 đăng bài “Ông Ngô Văn Khánh, Phó Tổng Thanh tra Chính phủ: Xử lí kỉ luật cán bộ thanh tra dưới quyền và giải quyết khiếu nại tố cáo trái pháp luật nhằm làm thay đổi nội dung Kết luận thanh tra?”,
    Vừa qua, phóng viên đã phỏng vấn qua điện thoại ông Nguyễn Mạnh Cường, Thanh tra viên chính ở Vụ 3 TTCP từng bị ông Ngô Văn Khánh xử lí kỉ luật khi làm nhiệm vụ. Ông Cường cho biết: “Thứ nhất là không bình luận gì nhiều về những vấn đề Báo NCT đã nêu vì Quyết định hủy kỉ luật đã nói lên tất cả. Không phải đơn giản mà Ban Cán sự Đảng TTCP ra quyết định này; Thứ hai, đây là vấn đề nội bộ của TTCP, có liên quan đến vi phạm của nhiều cán bộ có chức vụ quyền hạn nên cũng không muốn nói. Tuy nhiên, ông Cường cũng cho biết thêm: “Với tư cách là người dân ông thấy rất thất vọng vì TTCP là cơ quan đầu ngành về giải quyết Khiếu nại, Tố cáo mà một ông Lãnh đạo lại làm như vậy; với tư cách là công chức của TTCP tôi thấy rất xấu hổ vì người luôn chỉ đạo cán bộ của mình phải làm đúng pháp luật, phải có tâm, phải biết lắng nghe, phải cầu thị nhưng mà lại làm ngược lại tất cả… Với cương vị cao như vậy, chắc chắn đây không phải là do trình độ nghiệp vụ chuyên môn.

    Đây là hành vi cố ý !” – Ông Cường nói tiếp: “Trong hoạt động thanh tra, đối phó với những sai phạm của đối tượng bị thanh tra có quyền chức đã rất khó; nhưng khó hơn vạn lần là đối phó với chính tiêu cực trong nội bộ – đặc biệt là với chính cấp trên của mình, dù có phát hiện ra vi phạm của họ cũng không ai xử lí mà còn có thể mang họa vào thân. Sự cấu kết của đối tượng bị thanh tra có sai phạm và người làm thanh tra là biểu hiện của việc lũng đoạn bộ máy nhà nước cần phải được các cơ quan Trung ươngxem xét và ngăn chặn kịp thời”.

    Trả lờiXóa
  2. Tại sao lại gọi là bình thường?lúc 11:57 19 tháng 3, 2014

    Một đất nước phát triển, văn minh, tiên tiến là một đất nước hạn chế được tối đa những dấu hiệu bất thường tiêu cực. Trước một sự kiện tiêu cực, phải coi sự xôn xao, bức xúc của dư luận là một thái độ đúng, một thái độ tích cực, thì cái xấu, cái ác mới có cơ may kiềm chế được.
    Thế nhưng hiện nay, những dấu hiệu bất thường tiêu cực liên tục được xuất hiện trên các phương tiện truyền thông, nhiều vấn đề đã trở thành nan giải đối với hệ thống công quyền. Dư luận bức xúc, dẫu không giải quyết được triệt để sự việc, nhưng ít ra nó cũng góp phần phản ánh, gây áp lực lên các cơ quan chức năng để có biện pháp tức thời hay dài hạn nhằm khắc phục và hoàn thiện dần những sai sót.
    Và ít ra, từ đó cho thấy được cái quyền giám sát của người dân đối với xã hội, đối với công chức, quan chức. Đừng nhìn người dân với đôi mắt coi thường như vậy, đừng báng bổ dư luận là “kền kền”, trong khi bản thân mình cũng là nạn nhân trực tiếp hay gián tiếp của cái “xác thối” ấy.

    Trả lờiXóa
  3. Nguyễn Văn Phương lả con rễ cũng như con trai, phải cha truyền con nối...lúc 17:49 19 tháng 3, 2014

    Trong số 44 người được luân chuyển lần này, thì dư luận chú ý đến trường hợp của ông Thứ trưởng Nguyễn Thanh Nghị 38 tuổi, là Ủy viên dự khuyết Trung ương Đảng, là con trai lớn của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã được Bộ Chính trị điều động về làm Phó Bí thư tỉnh ủy Kiên Giang. Theo thông tin báo chí cho biết, trước khi công tác tại Bộ Xây dựng, ông Nghị là Phó Bí thư Đảng ủy, Phó Hiệu trưởng trường Đại học Kiến trúc TP.HCM. Tháng 1/2011 được bầu vào Ban chấp hành Trung ương khóa XI và là Uỷ viên Trung ương Đảng có tuổi đời trẻ nhất - 35 tuổi và cuối 2011, ông nhận quyết định điều động, bổ nhiệm giữ chức Thứ trưởng Bộ Xây dựng.

    Sở dĩ dư luận chú ý đến trường hợp này không chỉ vì ông Nguyễn Thanh Nghị là con trai cả của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, mà một phần cũng vì sự thăng tiến trên con đường quan lộ của ông Thứ trưởng Nguyễn Thanh Nghị hết sức nhanh chóng ngoài sự tưởng tượng. Năm 2006 sau khi tốt nghiệp tiến sĩ tại Đại học George Washington (Hoa Kỳ), chỉ 02 năm sau - năm 2008 ông được bổ nhiệm Hiệu phó trường Đại học Kiến trúc TP. HCM. Rồi cũng chỉ 3 năm sau - năm 2011 sau khi được bầu vào chức Ủy viên dự khuyết Trung ương Đảng ông được bổ nhiệm vào ghế thứ trưởng Bộ Xây dựng. Và cho đến nay, cũng chỉ mới 3 năm ông lại phải luân chuyển một lần nữa khi về nhận chức Phó Bí thư Tỉnh ủy Kiên giang. Nhìn lại sự nghiệp của ông trong 8 năm qua (2008-2014) thì thấy lần lượt ở các chức vụ mà ông đảm trách thì không chức vụ quan trọng nào ông giữ quá 3 năm. Trong vòng chỉ có 8 năm mà ông Nguyễn Thanh Nghị được điều chuyển với nhiều chức vụ ở những cương vị khác nhau. Đáng chú ý lúc này ông Nghị còn quá trẻ và ít nhiều chưa có kinh nghiệm làm việc trong các chức vụ mà ông đang đảm nhiệm và mới được bổ nhiệm. Và việc liên tiếp bổ nhiệm và điều chuyển công tác như thế không biết ông Nguyễn Thanh Nghị lấy đâu thời gian để làm việc và học hỏi nhằm nâng cao năng lực của cá nhân mình trong công việc?

    Trả lờiXóa
  4. biệt thự nhiều đời sau có chổ tham quan in như Hòa Thân để lại Di hòa viên có gì đâu mà lăn tăn

    Trả lờiXóa
  5. So với các chế độ đã trãi qua trong lịch sử, thì chế độ CSCN suy thoái nhanh nhất, để lại nhiều hệ lụy tàn bạo nhất...
    Đã đến hồi kết, NĐM, X, sẽ để lại những trang lịch sử buồn...

    Trả lờiXóa
  6. Đề nghị biên tập coi lại cách gọi người đăng. Tại sao khi chọn hồ sơ thì là "Ẩn danh" mà đến khi hiện lên thì lại là "Nặc danh". "Ẩn danh" là người người ta không muốn, không thèm đưa tên mình lên làm gì. Còn "Nặc danh" là làm lén lút, không dám nhận (nghĩa xấu), có nên gọi anh em trên diễn đàn bằng từ xách mé vậy không?

    Trả lờiXóa