Thứ Năm, 20 tháng 2, 2014

Những người dũng cảm


21/02/2014 09:10 (GMT + 7)
TT - Đó là những cựu chiến binh đã tố cáo ông Hồ Xuân Mãn, nguyên bí thư Tỉnh ủy Thừa Thiên - Huế, khai man thành tích, cướp công đồng đội để được phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân. 


Những cựu chiến binh đứng đơn tố cáo. Từ trái sang: các ông Hoàng Tiến Dũng, Hoàng Văn Phận, Hồ Văn Nghĩa, Hoàng Phước Sum (bìa phải). Thứ tư từ trái sang là ông Trần Văn Thuận, người đứng ra làm nhân chứng - Ảnh: Trường An


Hơn hai năm kiên trì đấu tranh, những cựu chiến binh này phải đối mặt với rất nhiều áp lực, có người bị đánh, bị dọa giết, nhưng họ vẫn quyết đi đến cùng. Ngày 2-1-2014, Ủy ban Kiểm tra trung ương có kết luận chính thức việc ông Hồ Xuân Mãn đã khai man thành tích để được phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân.

Ban Bí thư Trung ương Đảng cũng đã đồng ý đề nghị Nhà nước hủy bỏ quyết định phong tặng danh hiệu Anh hùng và thu hồi hiện vật, tiền thưởng đã trao nhầm cho ông Mãn. Vụ việc “phức tạp và nhạy cảm” này đã được làm sáng tỏ.

"Thay mặt Ủy ban Kiểm tra trung ương, tôi ghi nhận và hoan nghênh sự hợp tác của các cựu chiến binh đứng tên tố cáo đã cung cấp các tài liệu liên quan, góp phần quan trọng làm sáng tỏ vụ việc. Các đồng chí đã thể hiện tinh thần đảng viên một cách nghiêm túc, có trách nhiệm"
Ông Lê Hồng Liêm (phó chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra trung ương) nói tại buổi công bố kết luận ngày 2-1-2014

Lá đơn đau lòng

Lá đơn khiếu nại việc khai man của ông Mãn được gửi đến tất cả các vị lãnh đạo tối cao vào ngày 23-2-2013 có năm người đứng tên, ghi rõ ràng họ tên, địa chỉ, chức vụ thời kháng chiến cùng số điện thoại và chữ ký. Đó là các cựu chiến binh: 
Lê Văn Uyên, nguyên trưởng ban tổ chức Huyện ủy Phong Điền 1968-1975, 
Hồ Văn Nghĩa, nguyên trưởng ban an ninh huyện Phong Điền 1969-1973, 
Hoàng Văn Phận, nguyên trung đội trưởng công binh thuộc lực lượng vũ trang của huyện 1966-1974, 
Hoàng Tiến Dũng, nguyên đại đội phó lực lượng vũ trang huyện 1967-1975, 
Hoàng Phước Sum, nguyên đội trưởng đội an ninh huyện 1970-1975, sau năm 1975 là trung tá công an tỉnh.

Kèm theo lá đơn là danh sách 21 cựu chiến binh và cán bộ biết rõ sự việc và sẵn sàng đứng ra làm nhân chứng cho việc khiếu nại này. Và số người sẵn sàng đứng ra làm nhân chứng tiếp tục tăng lên đến 27 người. Lý lẽ và chứng cứ được đưa ra trong lá đơn đã cho thấy một tinh thần chiến đấu quyết liệt và trong sáng của những người lính. Ngay từ đầu họ đã bày tỏ rằng: “Vạn bất đắc dĩ chúng tôi phải viết đơn khiếu nại”...

Đầu xuân Giáp Ngọ, chúng tôi trở lại huyện Phong Điền (Thừa Thiên - Huế) để gặp lại những cựu chiến binh đã đưa sự việc “anh hùng khai man” ra ánh sáng. Ngồi trong căn nhà nhỏ ở thị trấn Phong Điền, ông Hoàng Tiến Dũng nói: “Ông Mãn từng là đồng đội của tôi, từng cùng nhau cầm súng vào sinh ra tử, nhưng ông làm anh hùng từ sự gian dối, cướp công đồng đội thì không thể chấp nhận được. Buộc lòng tôi phải lên tiếng nói ra sự thật”.

Theo ông Dũng, từ đầu năm 2010, nghe xôn xao chuyện ông Mãn làm hồ sơ Anh hùng lực lượng vũ trang, ông cứ tưởng chuyện đùa. Đến tháng 8-2010, ông Mãn được phong tặng Anh hùng, đài truyền hình tỉnh truyền hình trực tiếp. Các cựu chiến binh từng sống, chiến đấu với ông Mãn đều ngỡ ngàng. Ngay sau đó, nhóm cựu chiến binh này đã trực tiếp đến gặp Ban thường vụ Tỉnh ủy Thừa Thiên - Huế nói rõ sự thật và kịch liệt phản đối. “Chúng tôi đề nghị Tỉnh ủy cung cấp bản thành tích của ông Mãn để biết. Nếu thật sự ông Mãn là một anh hùng thì phải nêu gương để cán bộ, nhân dân học tập; còn không thì khuyên ông Mãn nên rút tên. Tiếc là Tỉnh ủy đã im lặng trước đề nghị của chúng tôi” - ông Dũng nói.

Cựu trung tá Hoàng Phước Sum nhớ lại: “Phải rất khó khăn, chạy chỗ nọ chỗ kia, hơn một năm sau chúng tôi mới lấy được bản thành tích của ông Mãn. Nắm được bản thành tích gian dối mới có cơ sở để tố cáo”. Với những “bằng chứng sống” là những người có mặt trong các trận chiến mà ông Mãn đã khai, nhóm cựu chiến binh quyết định viết đơn khiếu nại gửi cơ quan chức năng tỉnh, sau đó gửi các cơ quan trung ương.

Ông Hồ Văn Nghĩa (82 tuổi, hiện trú thôn Phò Ninh, xã Phong An) tâm sự rằng phải ký đơn tố cáo ông Mãn là việc làm đau lòng nhưng vì ông Mãn không chỉ khai man mà còn cướp công đồng đội đã hi sinh, nên ông buộc phải nói rõ sự thật. Ông Nghĩa là trưởng tộc họ Hồ, là bác họ của ông Mãn, nhiều người trong họ can ngăn nhưng ông không thể im lặng. “Nếu dòng tộc có một người anh hùng thì chúng tôi rất vinh dự. Nhưng anh hùng từ sự gian dối, cướp công người khác thì chỉ làm xấu mặt họ hàng” - ông Nghĩa nói.

Cựu chiến binh Hoàng Văn Phận (người có bốn huân chương chiến công, 22 huy hiệu dũng sĩ diệt Mỹ và xe tăng) kể lại với báo Tuổi Trẻ quá trình đi tố cáo sự gian dối của ông Hồ Xuân Mãn - Ảnh: Trường An

Nhiều áp lực

"Chúng tôi phấn khởi vì trung ương đã quyết liệt làm sáng tỏ sự việc, Ban Bí thư cũng đã có chỉ đạo thu hồi danh hiệu anh hùng của ông Mãn. Tuy nhiên, sự việc vẫn chưa thật sự được giải quyết rốt ráo, bởi quyết định này không biết bao giờ mới được thi hành?"
Để phanh phui sự gian dối, suốt hơn hai năm trời, nhóm cựu chiến binh này đã chạy ngược xuôi lên tỉnh, xuống huyện thu thập tài liệu, tìm nhân chứng rồi gặp lãnh đạo qua các thời kỳ. “Muốn tố cáo việc làm gian dối phải có bằng chứng, nhân chứng người ta mới tin. Ông Mãn nguyên là cán bộ lãnh đạo cao nhất tỉnh, dù đã về hưu nhưng quyền lực còn rất ghê gớm. Tuy nhiên được đồng đội, gia đình và người dân ủng hộ nên chúng tôi vững tin, đấu tranh đến cùng” - ông Dũng tâm sự.

Các cựu binh kể rằng nhiều lần có người đến nhà riêng vận động, thậm chí đe dọa họ đừng tố cáo ông Mãn nữa mà rước họa vào thân, nhưng các ông không sợ. Ngày 8-3-2013, có hai thanh niên bịt mặt mang gậy vào tận nhà đánh ông Hồ Văn Nghĩa rồi bỏ chạy. Tiếp đó, ông Hoàng Tiến Dũng nhận tin nhắn qua điện thoại dọa giết nếu còn đi tố cáo. Những trò đe dọa này đều được các ông gửi đơn báo đến công an tỉnh.

Khi được hỏi vì sao nhiều lần bị đe dọa nhưng không “ngán”, ông Dũng nheo mắt cười: “Tụi tui là lính, bom đạn hiểm nguy vẫn vượt qua được thì chuyện ni có chi mà sợ”. Còn ông Lê Văn Uyên thì trăn trở: “Tôi lo nhất là lỡ sau này tên ông Hồ Xuân Mãn được lấy đặt tên trường, tên đường, học sinh học tập noi gương thì đau lắm!”. Ông Sum cho biết thêm: “Chúng tôi là những đảng viên, từng là đồng đội, biết rất rõ về ông Mãn, nếu chúng tôi không nói ra sự thật thì ai nói?”.

Anh hùng đích thực

Sau cuộc trò chuyện với những cựu chiến binh, chúng tôi gặp các vị bô lão và người dân ở Phong Điền. Có người nói họ mới thật sự là những anh hùng chứ không phải ông Mãn! Trong số đó, ông Hoàng Văn Phận từ trong chiến tranh đã nổi tiếng là một người lính dũng cảm.

Năm lên 10 tuổi ông Phận đã đi làm giao liên, đưa thư cho cán bộ cách mạng. Năm 14 tuổi, ông Phận bị địch bắt và giam lỏng ba năm ở quận Phong Điền vì ông chưa đủ tuổi ra tòa. Sau ba năm bị giam với những đòn tra tấn, muốn thoát khỏi ngục tù, ông đã tình nguyện đi lính cộng hòa để tìm cơ hội bỏ trốn. Trong thời gian ba tháng huấn luyện, ông bỏ trốn ra vùng giải phóng, tiếp tục đi làm liên lạc, sau đó gia nhập quân đội. Ông Phận trực tiếp chiến đấu lập được nhiều chiến công. “Cả đời binh nghiệp, tôi nhớ như in hai kỷ niệm. Đó là vào năm 1967, tôi được kết nạp Đảng ngay giữa trận địa khi liên tiếp lập được nhiều chiến công. Lần thứ hai là khi tôi được truy điệu sống trước giờ đánh trận Tết Mậu Thân 1968” - ông Phận nói.

Trong những năm tháng chiến tranh chống Mỹ, ông Phận nổi tiếng với biệt tài chế mìn tự tạo, đánh xe bọc thép, xe cơ giới, gây nỗi khiếp đảm cho đối phương. Ông được tặng thưởng bốn huân chương chiến công và 22 huy hiệu dũng sĩ diệt Mỹ và diệt xe tăng. Ông Phận được ghi công trong sách lịch sử vũ trang huyện Phong Điền. Hòa bình, ông rời tay súng và trở về với ruộng vườn, lấy vợ sinh được bảy đứa con. Đời sống kinh tế còn nhiều khó khăn nhưng ông luôn sống có trách nhiệm, nghĩa tình với anh em, đồng đội.

Những người bạn đồng hành đi tố cáo cùng ông Phận cũng có những chiến công hiển hách trong chiến tranh và sống khí khái như ông. Ông Phận cho hay trong những ngày đi tố cáo, cũng có lúc họ hụt hẫng vì vụ việc rơi vào im lặng. Nhưng sau đó, họ nhanh chóng xốc lại tinh thần, tiếp tục chiến đấu đến cùng vì danh dự của người lính.

TRƯỜNG AN

6 nhận xét:

  1. Tố cáo đưa HXM ra công luận khai man thành tích cướp công đồng đội trong kháng chiến chống Mỹ để phong Anh hùng LLVT, Các Bác các Chú thật sự là người anh hùng. Rất mong các Bác, các Chú mạnh khỏe.
    Những người con của cách mạng luôn sát cánh cùng các Bác, các Chú bảo vệ Đảng, bảo vệ thành quả cách mạng, quyết không để những kẻ dù có chút công lao rồi man trá, tha hóa phá hoại, hủy hoại thành quả hơn 20 năm trường kỳ kháng chiến, hy sinh để có mùa xuân 1975 thống nhất đất nước thực hiện mơ ước của hàng triệu người dân Việt Nam và Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu.

    Trả lờiXóa
  2. Có nhiều trang viết về Hồ Xuân Mãn trên các mạng xã hội, Trang X Bình Phương có số bài nhiều nhất, lượng truy cập cao nhất và chưa bao giờ bị chỉ trích, bị chận…là nhờ tính kịp thời, trung thực, khách quan, có chính kiến rõ ràng…
    X Bình Phương ủng hộ các anh từ đầu cuộc chiến và đang theo các anh đến kết quả cuối cùng…
    Chúng ta đã chiến đấu vì một xã hội tốt đẹp hơn, không sợ hi sinh, không ngại gian khổ, hà cớ gì phải tiếc tí công lao tìm diệt sâu bọ của chế độ?

    Trả lờiXóa
  3. Rất hoan nghênh các anh, những người chiến sĩ trên mặt trận chống quân thù ngày xưa và trên mặt trận suy thoái hiện nay...

    Trả lờiXóa
  4. ban chat cua nguoi cong san la dau tranh vi le phai cong bang doi mat voi ke thu chau kham phuc cac bac ccb phong dien

    Trả lờiXóa