Thứ Năm, 8 tháng 8, 2013

Vô Cùng thương tiếc vĩnh biệt Nhà Lịch sử Đảng NGÔ KHA

Tốt nghiệp ĐHTH Văn Hà Nội
Vào chiến trường Trị Thiên năm 1964


thơ Ngô Kha

Lân gia, la dân

Nơm đó nó đơm ở mộng nhà
La dân bàng chuyện bắt lân gia
Hốt hoảng sinh ra lòng hoảng hốt
Gia tàn, hương lụi bởi gian tà


Không có trong sách

Câu đó trong sách chẳng có đâu
Ló đời, lời đó nhớ rất lâu
Đâm tức những kẻ nghèo tâm đức
Bầu bạn trăm năm mãi bạn bầu


Vốn cổ

Sĩ cứ theo nghề chép sử ký
Vương chăn trùm lại hết văn chương
Cô cả, cô hai mê ca cổ
Chai dần nhún nhẩy loại chân dài


Công đức

Đời vây chinh chiến vẫn vơi đầy
Vây quân thù đánh lại vun cây
Đứt cây lại nối thành cây Đức
Góp cùng non nước, nước non này


Nghịch cành

Pháo hù chẳng chộ loại phủ hào
Cào lanh, cuốc mạnh lớp cần lao
Có vụ bắt bình loài cú vọ
Đào bây dự án, bạc đầy bao


Xáp vô

Ô rờ voa xáp lại a rờ vô
Đồ Tây cố vét cho đầy tờ
Trông be Tây Khoái très bon đấy
Mố cây không vững, ngã mấy cô


Chân thật

Khoan ngôn thong thả kẻ khôn ngoan
Đàng điểm ngữ ngôn loại điếm đàng
Thật chân giá trị là chân thật
Làng vời, xã tiếp – những lời vàng


Công danh

Khai lậu công danh không khâu lại
Lai đền cầu khấn lại lên đài
Cái cấn tháo ra còn cách chi
Ngài may, dân ghét liệu ngày mai.


Thân phận

Phận thu đông đến có phụ thân
Phó cần lên trường cũng có phần
Gieo ngầm công sức, dân nghèo đó
Chân cằng đá mòn, hương chẳng cần


Đô trước, nợ sau

Bổ đi vay mượn ngàn tỷ đô
Khổ lòng con cháu, nợ khổng lồ
Cháo rau qua chị, đừng rao cháu
Cố mình dù mất chẳng kín mồ


Tình nghĩa

Tình chung thắm thiết thuở tùng chinh
Chính biên trang sử cựu chiến binh
Đội đồng, băng suối tìm đồng đội
Kinh Tết, thơ xuân mãi kết sinh


Hưu vui thơ lái

Vòng lui thơ lái thêm vui lòng
Đông sầu gạt bớt nỗi sầu đông
Thú chí một mình càng chí thú
Cồng hưu khép lại những hữu công


Ở Trường Sơn

Chôn xương, nát thịt thuở Trường Sơn
Cơn đà dịu xuống lại ca đờn
Tuân chiểu đời cần chi tiêu chuẩn
Khơi thoái cây leo ngắm khoái chơi


Thế sự

Thần nhanh nhẩu đoảng tưởng thành nhân
Lanh mưu xong xở hóa lưu manh
Thứ sệ quai hàm lâm thế sự
Tránh công, hưởng thọ chỉ trống canh


Lụt Thái Lan

Than! Lái gồng mình ôi Thái Lan!
Ngàn trập trùng Băng Cốc ngập tràn
Chống chèo “mỹ nữ” gang chèo chống
Toan canh tân nước, họa tận quan


Tự lái mình

Lính mài chí khí tự lái mình
Nhìu ra, trông chú nghiệp nhà binh
Tự chủ, trao lời nâng tự chủ
Bình chung quý trọng thuở tùng chinh


Bớt vai

Ái dào! Đã hết thời áo dài
Lại ngoai mấy kiểu hướng ngoại lai
Bãi vớt vải dư vì bớt vải
Hai vở bồng bềnh lại hở vai


Lang là

Lang là chuyện tếu đúng la làng
Càng vơi mệt nhọc tiếng cười vang
Tạc biền vui thú, khinh tiền bạc
Dàn sau trong trẻo vẫn giàu sang


Tự lái

Tự lái vui vui nên tự lái
Veo dần sầu muộn lại gieo vần
Mái thoải không lầu mà thoải mái
Nhân chỉ cho đời trọng chữ nhân


Phù vân

Lướt bạc tiền gian đánh lạc bước
Sân cha, lầu chú đến sa chân
Có chước tức thì mưu chức tước
Phần vu, phần ép kiếp phù vân


Lạc lối

Vi la đồ sộ sắm va li
Quyền được ký cho phải có chi
Tan tầm lo sợ tâm tàn phế
Đi đường lạc lối cuối đường đi


Đường hỏng

Ta ly (luy) mái đổ sợ Ty la
Xa xót đường đi, chân xót xa
Dạng ứ công trình bao dự án
Tà tà riêng lẽ rút tiền ra


Giấc mơ

Mê vờ không thật giấc mơ về
Tê tái chuyện cũ lòng tái tê
Cớ sự có không mà cứ sợ
Hề hả giật mình cười hả hê

Sự đời 

Kim to chọc mạnh phải co tim
Lịm ăn, hường thụ đánh lặng im
Phổi bạn thêm đau vì phản bội
Phim pha lên án vẫn pha phim


Leo Đền Hùng

Leo đền chẳng khác thuở lên đèo
Mốc meo cột trụ ngã một keo
Vụ cái chân đau, thôi cái cụ
Kéo ra giếng cỗ coi cá reo


Xê ghem 26

Xê ghem 26 thích xem ghê
Thế công từng trận được thống kê
Sáng sao “vàng, bạc” đầy sao sáng
Thế mây, thế gió sướng thấy mê


Hỏi ai?

Bên ngoài che mấy hàng tôn
Bên trong rậm rạp, bồn chồn chuối lên
Giữa Huế mảnh đất thần tiên
Một bên Bưu điện, một bên truyền hình
Ai lo dự án, công trình?
Mà đất hoang phố, ai nhìn củng đau
Hỏi Trời, rầu rĩ - biết đâu
Hỏi đất, than thở - nhà thầu ở xa
Hỏi Tiên, vui vẻ cười xòa:
“Năm đô thị”, Tỉnh, tòa nhà sẽ xây
Du khách Mỹ, Á, Âu Tây
Xì xồ ngoại ngữ: ở đây cái gì?
Huế 10-01-2012


Ngô Kha ơi nhớ lắm những ngày da diết

Nguyễn Quang Hà
Ngày cập nhật 12/08/2013 17:38

(TTH) - Một toà soạn của hai tờ báo “Cờ giải phóng”và “Cứu lấy quê hương” tưởng là khang trang lắm, song thời kháng chiến chống Mỹ ấy chỉ là hai ngôi nhà tranh thấp nhỏ nấp dưới bóng cây rừng. Lúc đơn giản nhất chỉ có một mái nhà là khi ở xã Thượng Quảng huyện Nam Đông sau chiến dịch Mậu Thân. Khi ấy hai tờ báo chỉ có Ngô Kha, Hoàng Phủ Ngọc Tường, Nguyễn Đắc Xuân, Trần Thân Mỹ, Nguyễn Quang Hà, Lê Huy. Ngày ngày thay nhau vào rừng lấy rau về ăn thêm cho no bụng. Chính vì vất vả vậy cho nên anh em trong cơ quan càng thương nhau.
Tôi mới được điều từ bên Thành đội qua, nên được Ngô Kha và Nguyễn Đắc Xuân luôn kèm cặp giúp đỡ. Viết bài xong, các anh đọc và sửa cho nghiêm chỉnh. Kỷ niệm bước vào nghề báo ấy không bao giờ quên.
Đêm đêma tôi thường nằm chung giường với Ngô Kha, Chính lúc ấy Ngô Kha kể cho tôi nghe nhiều chuyện về anh.
Lúc ấy tôi mới biết anh Ngô Kha vào Nam, để lại ngoài Bắc cô vợ trẻ của mình và một cháu gái đầu lòng tên Hồng. Hai mẹ con chợ búa nuôi nhau. Phải là bạn bè trong đêm thanh vắng giữa rừng chiến khu, cùng hoàn cảnh đi Nam giống nhau, mới thật cảm thông tình cảm của nhau một cách hết lòng. Ngô Kha cho tôi xem ảnh chị Thanh, ảnh cháu Hồng, anh giữ gìn tấm ảnh ấy thật kỹ càng, lúc nào cũng để trong túi ngực, thỉnh thoảng lại giở ra xem, đủ biết Ngô Kha nhớ vợ, thương con biết nhường nào.
Anh chỉ có một khát khao, sao đó, mình không bị hy sinh để khi trở về gặp vợ gặp con.
Bữa tôi bị thương phải ra Bắc điều trị, Ngô Khai ghi địa chỉ chị Thanh và bảo tôi cố gắng sắp xếp thời gian đến thăm vợ con anh, nói cho chị Thanh và cháu Hồng biết anh đang sống như thế nào.
Tôi được điều trị vết thương ở Quảng Bình, sau đó được đưa ra an dưỡng ngoài K15 Hà Đông. Khi vết thương ổn định, sức khoẻ đã trở lại bình thường, tôi nhảy xe vào ngay Thanh Hoá; đúng địa chỉ tôi đến tìm mẹ con chị Thanh. Nhưng rất tiếc, máy bay Mỹ ném bom dữ, dân phải sơ tán, gặp những người quen của chị Thanh, tôi hỏi thăm, họ bảo chị Thanh đã đem con sơ tán vào chợ gì đó, lâu ngày tôi quên cả tên chợ.
Theo địa chỉ mới, tôi lại nhảy xe đi tiếp. Đúng là bom Mỹ thả dữ thật. Nhà cửa hai bên đường tan hoang. Sau nửa ngày đi xe, tôi đã đến được địa chỉ mới của chị Thanh.
Hỏi thăm, dân chỉ cho tôi một ngôi nhà tranh gần bên một ngôi đình, gần đó là chợ phiên lèo tèo mấy quán hàng. Chiến tranh mà vẫn giữ được chợ búa như vậy là tốt lắm rồi. vậy là chị Thanh vẫn bám chợ để có tiền nuôi con. Tôi thấy lòng mình xót xa nghĩ tới thân phận những người phụ nữ miền Bắc lúc ấy lấy chồng rồi, chính những ngày hạnh phúc ấy lại phải xa nhau một người một phương. Kẻ vào chiến trường không biết sẽ sống chết ra sao. Người vợ ở hậu phương cặm cụi chờ chồng, thấp thỏm không biết người chồng của mình có sống mà trở về? Người vợ sống, kiếm tiền nuôi con như vậy cũng xứng đáng là người anh hùng.
Chị Thanh đi chợ. Nhà đóng cửa, cháu Hồng chắc cũng theo mẹ. hàng xóm kể rằng đây không phải nhà của chị Thanh, mà chị Thanh ở nhờ thôi. Giá Ngô Kha biết chuyện này chắc xót lòng lắm.
Không lâu sau hai mẹ con ở chợ về. chị Thanh cắp trên nách thúng hàng dì đó. Tôi chạy ra nói:
- Tôi là bạn anh Ngô Kha. Hai anh em cùng ở một tờ báo với nhau. Tôi bị thương ra Bắc chữa bệnh, đến thăm chị đây.
Chị Thanh nước mắt lưng tròng hỏi tôi:
- Anh Ngô Kha còn sống chứ?
Tôi đáp:
- Đây, thư anh gửi ra cho chị đây. Anh đang sống rất khoẻ mạnh.
Chị Thanh cầm thư, vẫn nước mắt lưng tròng, đọc ngấu nghiến, đọc đi đọc lại.
Tôi ôm cháu Hồng trong tay, lúc ấy tôi nghĩ đến Ngô Kha, giá Ngô Kha được ôm Hồng trong lòng như tôi bây giờ, chắc anh vui lắm. Tôi đưa quà cho cháu Hồng và bảo:
- Quà bố cháu gửi ra cho cháu đó. Bố cháu lúc nào cũng nhớ cháu, Hồng ạ.
Hồng bảo tôi:
- Chú cho bố Hồng về thăm Hồng đi.
Đúng là giọng trẻ con, dễ thương quá chừng.
Chị Thanh đọc thư xong, lau nước mắt, bấy giờ mới mời tôi vào nhà.
Tôi ở thăm mẹ con chị Thanh được 3 ngày thì phải chia tay, vì tôi còn về thăm gia đình nữa.
Khỏi nói những ngày sống bên mẹ con chị Thanh tôi được coi là người em rất chân tình. Khi chia tay, quyến luyến không dứt.
Ngày trở lại chiến trường, tôi kể hết mọi chuyện cho Ngô Kha nghe. Một vật chứng mà Ngô Kha rất thích đó là tấm ảnh tôi chụp với cháu Hồng. Ngô Kha giữ, như giữ bảo bối của mình.
Không biết Ngô Kha bắt tôi kể cho anh nghe bao lần tôi về thăm vợ con anh.
Đó là những ngày da diết trong tấm lòng Ngô Kha dành cho vợ con. Phải là những người cùng hoàn cảnh đi chiến trường mới thật cảm hết lòng nhau.
Ngô Kha đi xa. Bên quan tài anh, nhìn chị Thanh mặc áo tang, những kỷ niệm cũ khiến tôi nhớ Ngô Kha vô chừng.
Xin lấy nỗi nhớ này là nén hương thắp cho anh, Ngô Kha nhé.

Ngô Kha, “nguồn Phi-la-tốp” của rừng chiến khu

Tô Nhuận Vỹ
Ngày cập nhật 09/08/2013 05:59

(TTH) - Cuối năm 1965 tôi từ Hà Nội vào được đưa về báo Giải phóng của tỉnh Thừa thiên Huế, sau hơn một tháng đi bộ vượt Trường Sơn (trước đó tôi dạy ở trường cấp 3 Hậu Lộc, Thanh Hóa). Lúc đó, các bộ phận báo, tuyên truyền, giáo dục, huấn học… đều ở trong Ban Tuyên Huấn và đều ở chung một cơ quan, mỗi bộ phận ở một chòi, quần tụ quanh nhau ở một ngọn núi rậm rạp vừa phải và dĩ nhiên gần một khe suối để dựng bếp nấu ăn chung cho tất cả. Báo lúc đó do anh Nguyễn Sự phụ trách, anh Phan Nhơn là thư ký tòa soạn (sau đó là anh Ngô Kha).
Khi ở trạm giao liên trung tâm của tỉnh, tôi đã nghe nhân viên ở đây kể ở báo có anh Ngô Kha là no rồi. Tôi hỏi vì sao thì mấy anh hì hì nói anh ấy mở miệng ra là anh em cười nghiêng ngửa, bụng dạ mô nữa mà đói. À, ra rứa. Tôi về cơ quan ít hôm thì có tin dưới khu 3 Phú Lộc mình vừa làm chủ được mấy thôn ở Vĩnh Lộc, cần có người về đó đưa tin, viết bài ngay. Tôi xin đi. Ngô Kha cũng có việc phải về căn cứ của Hương Thủy nên tôi được cùng anh đi một đoạn dài đường rừng. Khi đến căn cứ của huyện Hương Thủy, tôi theo anh leo dốc vô chào mấy anh lãnh đạo đang họp. Nhà họp ở trên cao, nên mấy anh đã thấy chúng tôi trước. Anh Đắc, Bí thư Huyện ủy nói to:
- Chào Cụ Kha!
- Chào Cụ Đắc! 
Kha đáp lại và cười rổn rảng
Cả mấy anh Huyện ủy cũng cười rổn rảng, lăn ra mà cười vang cả rừng. Cái cung cách lịch sự đèn sách của tôi bỗng tan biến, trong lòng thấy ấm áp lạ thường mà lúc đó chưa hiểu vì răng. Đêm ấy, chúng tôi mắc võng ngủ lại. Gần bên võng Ngô Kha là võng của chú Thu, Thường vụ Tỉnh ủy đang về chỉ đạo mấy huyện phía Nam. Chú bị thương thời đánh Tây, méo cả miệng, nên mọi người hay gọi là Thu-méo (dĩ nhiên khi không có chú). Đêm đó, chú lên cơn đau dạ dày. Cô y tá của huyện tới chăm sóc, cho uống thuốc rồi mà chú vẫn rên, chắc đau dữ lắm. Cô đành hơ tay vô bếp lửa rồi áp vô bụng chú cho chú đỡ đau. Nhưng chú vẫn rên, lần sau có vẻ rên to hơn lần trước nữa, khiến cô y tá có vẻ cuống. Cô kéo cái quần bà ba của chú xuống thấp rồi áp bàn tay nóng lên bụng. Chú bớt rên hơn nhưng chú nói, miệng chú méo nên giọng nói cũng như… rên:
Cháu… cho tay… xuống tý nữa. Rồi… xuống tý nữa…
Ngô Kha nãy giờ cũng thương cho chú Thu lắm nên nằm yên cả buổi không dám nói năng chi, nhưng đến đây thì cái máu khôi hài át tình thương, bèn nói đổng:
Xuống vừa vừa thôi, chớ xuống mãi à…
Cha mi Kha! Cha mi Kha! Tau đau gần chết đây mà mi…ọe ọe…
Chú Thu như lên cơn. Nhưng ọe khan xong thì tự dưng cơn đau của chú cũng biến mất! Tôi thì đau cả ruột và đau cả mảng sườn vì cười quá nên ngã lộn nhào một phát từ trên võng xuống nền nhà toàn đá ụ với rễ cây. 
Ngay chiều hôm đó, mấy o cấp dưỡng của huyện ủy, có vẻ đã quen biết Ngô Kha từ trước, cứ tranh thủ khi rảnh tay là xê tới giục Kha kể chuyện.
- Kể chuyện chi mới được chớ? 
Kha ra vẻ suy nghĩ
- Chuyện chi cũng được hết
Mấy o há miệng đồng thanh 
- Nhưng nhờ mấy o vá dùm tui cái quần đã…
- Khi mô vá mà không được! Eng kể đi đã.
- Mấy o thương thì vá ngay cho tui thì tui mới yên tâm kể chuyện, chớ thấy mấy o nuôi quá nhiều chuột, khi hồi hắn tới khới cả móng chân tui đây này, cứ ngồi kể mà hắn chui vô chỗ thủng khới mất… cái của quý thì vợ tui chết giấc!
Tiếng cười như bưng cả mái nhà mà tung lên trời. Nhưng có một o, chắc dưới đồng bằng mới lên cơ quan, hỏi thực tình:
- Eng Kha mà có vợ rồi à?
- Ngoài Bắc thì có rồi, nhưng vô đây thì chưa!
Đó là lần đầu tiên tôi được “thưởng thức” tài khôi hài của Ngô Kha, người mà sau này nhiều anh em đã đặt tên cho là “nguồn Phi-la-tốp” của rừng chiến khu (Phi-la-tốp là một loại thuốc bổ nước rất phổ biến thời đó). Nhất là giữa những ngày gian khổ sau Mậu Thân, “đói xanh mang”, tiếng cười Ngô Kha còn hơn cả thuốc bổ nữa, là tiếng cười ngạo nghễ kiên gan của cả thế hệ kháng chiến.
Ngày tôi bị thương, phải về Viễn Trình, nằm hầm bí mật làm ngay trong cái nhà – hầm của thím Phép cũng có Ngô Kha. Thêm Cúc - nữ sinh Đồng Khánh, là cơ sở nội thành và sau này là nhà tôi, đang ở đây chăm sóc tôi và chờ giao liên đưa lên căn cứ. Vị chi là 3 người, chèn nhau trong căn hầm hẹp mà thường chỉ để dành cho một mình tôi. Trong tình yêu thiêng liêng thời kháng chiến của tôi cũng có hình bóng anh Ngô Kha

Trong hầm bí mật lèn ba đứa
Nằm đếm bước đi bọn Mỹ càn
Lắng nghe tim em đang gấp nhịp
Thương quá em mình chịu gian nan

Ngô Kha ơi, tôi đang ngồi viết những dòng này thì nghe tin anh vừa ra đi! Nước mắt tôi chảy tràn mà tôi lại nhớ những tiếng cười Ngô Kha ngày kháng chiến. Ở mảnh đất này, ai đã đi kháng chiến mà không biết Ngô Kha? Và có ai không nhớ một vài chuyện, hàng chục chuyện cười mà anh kể, không có chuyện anh cũng kể ra cười. Cười để mà vui kháng chiến, cười để mà qua cơn đói mà vượt quốc lộ về đồng bằng bám dân, cười để thương yêu nhau hẹn ngày chiến thắng. Cười để sống cho ra con người. 
Lần anh cùng đoàn cán bộ đi công tác bị biệt kích sục rừng của Mỹ phục kích, nhiều người chết và bị thương, anh đã tuôn rừng chạy vượt lửa, chạy mãi, chạy mãi… khi thấy một cái chòi của một đơn vị sản xuất, anh mới biết mình còn sống. Khi tim vẫn còn đập như trống trận, vậy mà còn kịp lục túi lấy ảnh chị Thanh (vợ anh, lúc đó ở Thanh Hóa) mà anh luôn đem theo bên mình, cười vang một tràng và ứng khẩu như đọc cho cả rừng chiến khu nghe:

Những tưởng không mong sum họp nữa,
Ai ngờ đạn tránh Cụ Ngô Kha!

Ôi, Ngô Kha!


Hữu Thu dẫn chứng lời Ngô Kha trên Báo Đại Đoàn Kết
Ông Ngô Kha, quê ở Quảng Trị, sau khi tốt nghiệp Đại học, năm 1964 đã vào chiến trường Thừa Thiên Huế công tác. Trong những năm chiến tranh, ông Phụ trách Báo Cờ giải phóng, Bí thư Đảng ủy Ban Tuyên huấn Thừa Thiên. Ông Ngô Kha cho biết: "Hễ lần nào tỉnh mở Đại hội chiến sĩ thi đua thì lần đó đều có anh Hồ Xuân Mãn tham dự. Tôi biết rõ điều này vì tôi được phân công viết giúp bản báo cáo thành tích cho anh Mãn và nhiều người khác. Năm 1973, sau Đại hội thi đua của tỉnh Thừa Thiên, một số cán bộ tiêu biểu được chọn đi dự Đại hội Anh hùng chiến sĩ thi đua tổng kết 18 năm chống Mỹ của Quân khu Trị Thiên - Huế tổ chức ở Cồn Tiên - Quảng Trị. Ông Ngô Kha là đại biểu chính thức. Nhà văn Tô Nhuận Vỹ tham dự Đại hội với tư cách là phóng viên Tạp chí Văn nghệ Trị Thiên - Huế vừa mới thành lập”

Ý kiến của bạn đọc trên bài Hữu Thu lại đi tìm sự thật của người anh hùng có nhắc đến Ông Ngô Kha

Người trong cuộc 14:29 Ngày 08 tháng 8 năm 2013
Hôm nay 09/8/2013
Vụ anh hùng của Mãn rềnh rang tròn 3 năm, qua 4 tháng UBKTTW vào cuộc kiểm tra “cái anh hùng” của Hồ Xuân Mãn. 
Ngày 05/8/2013 Ông Ngô Văn Dụ, Ủy viên Bộ Chính trị khóa XI, Chủ nhiệm UBKTTU Đảng vào Thừa Thiên Huế để Kiểm tra thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 và Chỉ thị 03 của Bộ Chính trị tại Thừa Thiên Huế.
Báo chí không đưa tin, nhưng nội dung “cái anh hùng” chắc chắn phải có trong chương trình nghị sự, dư luận đang râm rang về Bùi Thanh Hà, chủ nhiệm UBKTTU TTH, là con tôm, trên đầu mang cục cức, có nhiều chân nhưng bơi tới thì chậm mà búng lui thì nhanh…nhìn tiền bối với ánh mắt trịch thượng, gầm gừ…đang bắn súng lục vào quá khứ…
Quan trên trông xuống có lẽ khách quan và công minh...mong các anh kết luận không oan cho đối tượng nhưng cũng đừng lấp liếm làm ảnh hưởng xấu thêm uy tín của Đảng…
Ngày 5-8-2013, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng đã ký ban hành Kế hoạch (số 16-KH/BCĐTW) kiểm tra, giám sát việc thanh tra vụ việc, khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử các vụ án tham nhũng nghiêm trọng, phức tạp.
Ủy ban Kiểm tra Trung ương, Đảng ủy Công an Trung ương, Ban cán sự đảng Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Tòa án nhân dân tối cao, Thanh tra Chính phủ và các cơ quan liên quan được giao nhiệm vụ trong Kế hoạch số 08-KH/TW của Bộ Chính trị cử cán bộ có kinh nghiệm tham gia Đoàn công tác.
Vụ “cái anh hùng” không lớn nhưng không nhỏ vì nó là thực tế sống cho tùm lum việc “chạy”. 
Một kết luận nghiêm túc là một bước củng cố niềm tin của dân vào Đảng…

6 nhận xét:

  1. Hỏi ai?
    Bên ngoài che mấy hàng tôn
    Bên trong rậm rạp, bồn chồn chuối lên
    Giữa Huế mảnh đất thần tiên
    Một bên Bưu điện, một bên truyền hình
    Ai lo dự án, công trình?
    Mà đất hoang phố, ai nhìn cũng đau
    Hỏi Trời, rầu rĩ - biết đâu
    Hỏi đất, than thở - nhà thầu ở xa
    Hỏi Tiên, vui vẻ cười xòa:
    “Năm đô thị”, Tỉnh, tòa nhà sẽ xây
    Du khách Mỹ, Á, Âu Tây
    Xì xồ ngoại ngữ: ở đây cái gì?

    Trả lờiXóa
  2. Ngô Kha, vĩnh biệt anhlúc 00:16 9 tháng 8, 2013

    Tôi chơi với Ngô Kha gần 20 năm, nghe Ngô Kha kể nhiều chuyện chiến trường kể cả riêng tư lẫn tâm tư. Tô Nhuận Vỹ viết lại rất nhanh, rất thật nguồn Phi-la-tốp này. Cảm ơn Tô Nhuận Vỹ đã nói hộ.

    Những tưởng không mong sum họp nữa,
    Ai ngờ đạn tránh Cụ Ngô Kha!

    Ngô Kha, Vĩnh biệt anh...
    Hữu Thu đã dùng tên Ngô Kha để dẫn "Tôi biết rõ điều này vì tôi được phân công viết giúp bản báo cáo thành tích cho anh Mãn và nhiều người khác."
    Hữu Thu chỉ nên dẫn đến vậy...ông không đủ tầm để khai thác gì thêm ở con người này...sinh thời Ngô Kha là người viết giúp...
    Hữu Thu nghiên cứu tài liệu lịch sử Đảng bộ Tỉnh, Phong Điền, Phong An, Giải phóng Huế năm 1968, 1975...có dòng nào có bóng dáng của "anh hùng..."
    Anh Ngô Kha đang nằm trên đất, tôi chỉ có vài lời nhắc nhỡ, vì anh đã dám nêu tên con người này...may mà nội dung chỉ đến vậy, Ngô Kha chỉ thích tiếu lâm thôi, không thích nịnh...

    Trả lờiXóa
  3. Lạc lối
    Vi la đồ sộ sắm va li
    Quyền được ký cho phải có chi
    Tan tầm lo sợ tâm tàn phế
    Đi đường lạc lối cuối đường đi

    Trả lờiXóa
  4. Tô Nhuận Vỹ viết về Ngô khalúc 02:43 9 tháng 8, 2013

    Ở mảnh đất này, ai đã đi kháng chiến mà không biết Ngô Kha? Và có ai không nhớ một vài chuyện, hàng chục chuyện cười mà anh kể, không có chuyện anh cũng kể ra cười.
    Cười để mà vui kháng chiến, cười để mà qua cơn đói mà vượt quốc lộ về đồng bằng bám dân, cười để thương yêu nhau hẹn ngày chiến thắng.
    Cười để sống cho ra con người.

    Trả lờiXóa
  5. Ngô Kha mà đi ca ngợi hồ xuân mãn thì cũng là tôm chứ hay ho gì,
    nếu đúng như hữu thu viết thì nay trở thành tôm chết.

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Hữu Thu chỉ là tên bồi bút rẻ tiềnlúc 13:29 14 tháng 8, 2013

      "Hễ lần nào tỉnh mở Đại hội chiến sĩ thi đua thì lần đó đều có anh Hồ Xuân Mãn tham dự. Tôi biết rõ điều này vì tôi được phân công viết giúp bản báo cáo thành tích cho anh Mãn và nhiều người khác."
      Hữu Thu trích dẫn lời Ngô Kha thì phải trích cho đúng ý của người nói...Ngô Kha chỉ viết giúp thôi...còn được công nhận đến mức nào là việc khác...Hữu Thu đừng gán ghép viết giúp với thừa nhận công trạng của Hồ Xuân Mãn mà Hữu Thu viết giúp.
      Ngày xưa viết giúp nhau là vô tư, ngày nay viết giúp thì viết đã khác, mực cũng khác rồi...

      Xóa